Tin tức & sự kiện

Home  |  News & Events

Lôi đề tài nghiên cứu “cất tủ” vào thị trường

Đăng ngày: 2015-11-21          Theo Song Minh (nguồn http://tiepthithegioi.vn)

Trung tâm Nghiên cứu triển khai công nghệ (trực thuộc khu Công nghệ cao TP.HCM) vừa chính thức đưa xưởng sản xuất Nacur Vital đi vào hoạt động. Đây là mô hình sản xuất đầu tiên từ kết quả nghiên cứu của chính đội ngũ nghiên cứu khoa học của khu Công nghệ cao TP.HCM




Hơn hai năm trước, tháng 6.2013, thạc sĩ Đỗ Thanh Sinh cùng các cộng sự của phòng thí nghiệm công nghệ nano và phòng thí nghiệm công nghệ sinh học (trực thuộc trung tâm Nghiên cứu triển khai công nghệ) báo cáo kết quả đề tài “Chiết xuất nano curcumin”. Tại sự kiện đó, có đại diện các công ty dược phẩm trong nước tới dự. Trao đổi với Thế Giới Tiếp Thị, đại diện một công ty dược tỏ vẻ hào hứng: “Từ kết quả đề tài, chúng tôi nhìn thấy cơ hội kinh doanh. Hai bên sẽ bàn bạc kỹ hơn về nhiều vấn đề pháp lý, bản quyền… Chắc chắn là sẽ đầu tư xưởng để sản xuất”.

Nỗ lực thương mại hoá
Nghe nói vậy, mừng cho nhóm nghiên cứu trẻ khi hướng nghiên cứu, kết quả đề tài đã được doanh nghiệp quan tâm. Nghĩa là đề tài đã có đầu ra. Nhưng đó chỉ là những lời “có cánh” lúc cao hứng của doanh nghiệp… Tròn hai năm sau, phóng viên Thế Giới Tiếp Thị có nhắc lại đề tài trên với một người có trách nhiệm, thì nhận được câu trả lời: “Đang tìm đối tác để chuyển giao công nghệ”! Quả thật, hành trình từ đề tài nghiên cứu khoa học đến sản phẩm có mặt trên thị trường không suôn sẻ như trong nhiều báo cáo tổng kết cuối năm, nếu không muốn nói là “thất bại toàn tập”.
Ngày 12.5.2014, cũng tại trung tâm Nghiên cứu triển khai, đề tài “Nghiên cứu và điều chế nano vàng, ứng dụng trong mỹ phẩm” của nhóm nghiên cứu: thạc sĩ Mai Ngọc Tuấn Anh, thạc sĩ Bùi Quốc Anh và cử nhân Trần Thị Lệ Khanh đã được công ty mỹ phẩm Moria Phương Vy (Thủ Đức, TP.HCM) đề nghị được hợp tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với thời hạn một năm! Trong thời gian bao tiêu sản phẩm, thạc sĩ Tuấn Anh cho biết, Moria Phương Vy đầu tư máy móc để sản xuất thành phẩm bán ra thị trường. Nay hợp đồng đã hết hạn. Theo một nguồn tin riêng, trung tâm Nghiên cứu triển khai đang tìm kiếm một đối tác khác hoặc tự đầu tư dây chuyền sản xuất và tìm nhà phân phối cho sản phẩm này.
Tham vọng muốn có một sản phẩm Việt từ chính đội ngũ nghiên cứu của mình, lãnh đạo khu Công nghệ cao TP.HCM đã đồng ý cho trung tâm Nghiên cứu triển khai đầu tư 1,5 tỉ đồng để đầu tư xưởng sản xuất thành phẩm từ đề tài chiết xuất nano curcumin ở dạng xirô và nhượng quyền khai thác sản phẩm cho công ty cổ phần phát triển công nghệ cao Viotek, một doanh nghiệp được ươm tạo tại chính Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (trực thuộc khu Công nghệ cao TP.HCM).
Trước mắt, theo ông Phan Văn Tiến, giám đốc Viotek, với công suất thực tế là 2.000 chai (dung tích 65ml)/tháng sẽ được hai đối tác chịu trách nhiệm phân phối đến tay người dùng là công ty Liên kết Không gian (phân phối các tỉnh phía Bắc) và công ty Hoà Bình Xanh (đảm trách thị trường các tỉnh phía Nam). Giá bán ra thị trường của Nacur Vital là 200.000 đồng/chai.
Chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị, ông Lê Hữu Trí, giám đốc công ty Hoà Bình Xanh nói rằng, 1.000 chai/tháng không phải là quá khó với năng lực bán hàng của công ty, dù rằng đây là sản phẩm mới. “Dù hình thức chưa được đẹp nhưng điều đáng quý là kết quả nghiên cứu của các bạn trẻ đã làm tôi tin rằng sẽ bán được hàng. Sẽ còn nhiều thách thức với các sản phẩm cùng loại trên thị trường nhưng tôi sẽ cố gắng”, ông Trí tâm sự.

Chấp nhận thử và sai!
Giám đốc trung tâm Nghiên cứu triển khai Ngô Võ Kế Thành cho biết, sản phẩm Nacur Vital đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 000564/2015/ATTP-CNĐK ngày 3.9.2015 và giấy phép xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 26142/ 2015/ATTP-XNCB ngày 8.10.2015, do cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) cấp.
Nói về xưởng sản xuất Nacur Vital, TS Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý khu Công nghệ cao TP.HCM, chia sẻ: “Dù quy mô nhà xưởng còn quá nhỏ, sơ sài nhưng đây là sản phẩm công nghệ Việt đầu tiên của khu theo quy trình khép kín, từ nghiên cứu đến sản xuất thành phẩm bán ra thị trường. Từ mô hình này, khu Công nghệ cao sẽ nhân rộng cho nhiều đề tài nghiên cứu khác. Không thể để những đề tài im lặng trong tủ nữa. Chúng tôi biết phía trước còn nhiều khó khăn nhưng không làm sẽ không biết cách đi cho đúng…”
Sau nano vàng dùng cho mỹ phẩm theo hình thức liên kết, đến lượt tự sản xuất nano nghệ và trong tương lai không xa sẽ là nano nghệ trong sữa chua. Ông Phan Văn Tiến cho biết thêm, hiện đã có một thương hiệu sữa lớn của Việt Nam tìm hiểu về công nghệ nano nghệ trong sữa chua của trung tâm Nghiên cứu triển khai. "Họ quan tâm đến kết quả nghiên cứu của trung tâm là niềm vui rồi", ông Tiến cười. Còn theo một kỹ sư trẻ của đề tài nano nghệ, có thể chuyển giao công nghệ cho các hãng sữa, cũng có thể sản xuất theo đơn đặt hàng. Mùi nghệ nhè nhẹ trong hũ sữa chua có nano nghệ cũng thấy hay hay…